Bối cảnh lịch sử Đại_nhảy_vọt

Vào tháng 10 năm 1949, sau cuộc rút lui của Quốc Dân Đảng ra đảo Đài Loan, Đảng Cộng sản Trung Quốc tuyên bố thành lập Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và tiếp nhận quyền lực quốc gia. Một trong những chính sách đầu tiên và quan trọng nhất là cải cách ruộng đất trong đó đất của địa chủ và những người nông dân giàu có hơn bị ép buộc phân phát lại cho nông dân nghèo hơn. Trong hàng ngũ Đảng, có một cuộc tranh luận lớn về việc cải cách ruộng đất nên phải thực hiện như thế nào và với mức độ nào. Phe ôn hòa gồm có thành viên Bộ chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc Lưu Thiếu Kỳ cho rằng sự thay đổi nên từng bước một và rằng bất cứ một sự tập thể hóa nông dân nào cũng nên chờ đợi cho đến khi đã thực hiện xong công nghiệp hóa để có thể cung ứng máy móc nông nghiệp cần thiết cho cơ giới hóa nông nghiệp. Một phe cấp tiến do Mao Trạch Đông lãnh đạo cho rằng cách tốt nhất để tài trợ cho công nghiệp hóa là để Chính phủ nắm giữ nông nghiệp, bằng cách đó sẽ thiết lập độc quyền đối với việc phân phát và cung cấp lúa gạo. Điều này sẽ cho phép chính phủ mua ở giá thấp và bán ở giá cao hơn, từ đó tích lũy vốn cần thiết cho công nghiệp hóa đất nước. Khi nhận ra rằng chính sách này không được quần chúng nông dân ưa chuộng, có người đề nghị là nông dân nên bị ép buộc nằm dưới quyền kiểm soát của chính phủ bằng việc thiết lập các nông trường tập thể, nơi sẽ có ích cho việc chia sẻ dụng cụ và súc vật lao động. Chính sách này dần dần được hối thúc tiến hành giữa năm 1949 và 1958, đầu tiên là thành lập các "đội trợ giúp hỗ tương" (mutual aid teams) gồm từ 5 -15 hộ gia đình, sau đó vào năm 1953 là "hợp tác xã nông nghiệp cơ bản" (elementary agricultural cooperatives) gồm từ 20 - 40 hộ gia đình, rồi từ năm 1956 là các "đại hợp tác xã" (higher co-operatives) gồm từ 100-300 gia đình. Những cải cách này (ngày nay đôi khi được nhắc đến như là "Tiểu nhảy vọt") thường thì không được người nông dân ưa chuộng và thường được áp đặt bằng cách mời nông dân đến các buổi họp và giữ họ ở đó nhiều ngày và đôi khi nhiều tuần cho đến khi họ "tự nguyện" đồng ý gia nhập tập thể hóa.

Ngoài những thay đổi kinh tế, Đảng đã tiến hành nhiều thay đổi xã hội lớn ở nông thôn bao gồm dẹp bỏ tất cả các cơ sở thuộc về tôn giáo và huyền bí cũng như những lễ nghi và thay thế tất cả bằng các buổi tuyên truyền và hội họp chính trị. Nhiều cố gắng đã được thực hiện để nâng cao giáo dục nông thôn và vị thế của phụ nữ (cho phép phụ nữ quyền xin li dị nếu họ muốn) và chấm dứt phong tục bó chân, tảo hôn và nghiện thuốc phiện. Thẻ thông hành đi lại trong nước được giới thiệu năm 1956 với mục đích cấm di chuyển xa mà không có giấy phép thích hợp. Ưu tiên cao nhất là dành cho giai cấp vô sản thành thị vì họ là đối tượng mà phúc lợi quốc gia được tạo ra.

Giai đoạn đầu của tập thể hóa không là một thành công lớn lao và có nạn đói lan rộng năm 1956, mặc dù cỗ máy tuyên truyền của Đảng luôn tiếp tục thông báo có những vụ mùa tăng năng suất cao. Những người ôn hòa trong Đảng, gồm có Chu Ân Lai, kêu gọi bãi bỏ tập thể hóa. Lập trường của phe ôn hòa được củng cố bởi bài diễn văn bí mật năm 1956 của Nikita Khrushchev đọc tại Đại hội Đảng lần thứ 20, trong đó chỉ trích những sai lầm của Joseph Stalin và chỉ rõ sự thất bại của các chính sách nông nghiệp của ông ta bao gồm tập thể hóa tại Liên Xô.

Vào năm 1957, để giảm bớt căng thẳng trong hàng ngũ Đảng, Mao đã khuyến khích tự do ngôn luận và phê bình qua Chiến dịch trăm hoa đua nở. Nhiều người tin rằng đây là một mưu đồ khiến những người chỉ trích chế độ, chủ yếu là các nhà trí thức, nhưng cũng có một số thành viên của đảng bất mãn với các chính sách nông nghiệp, tự lộ diện.[1] Một số cho là Mao đơn giản quay sang phe cứng rắn ngay sau khi các chính sách của ông bị phản đối mạnh mẽ, nhưng lời tuyên bố được đưa ra như thế so với lịch sử các cuộc tấn công tàn nhẫn và bất chấp mọi thứ của ông đối với những người chỉ trích và đối thủ của ông cộng thêm tính nổi cáu nổi tiếng thì điều này dường như không thể nào. Khi ông ra tay, có đến ít nhất nửa triệu người bị bắt giam dưới Chiến dịch chống phe hữu do Đặng Tiểu Bình tổ chức, khiến bất cứ sự chống đối nào từ trong Đảng phải im lặng.

Vào năm 1957, vào lúc hoàn thành kế hoạch kinh tế năm năm lần thứ nhất, Mao Trạch Đông bắt đầu nghi ngờ về con đường tiến lên Chủ nghĩa Xã hộiLiên Xô đã đi liệu có thích hợp cho Trung Quốc hay không. Mao phê phán Khrushchev về việc lật ngược các chính sách của Chủ nghĩa Stalin, bị báo động bởi các cuộc nổi dậy xảy ra tại Đông Đức, Ba LanHungary, và nhận thức rằng Liên Xô đang tìm kiếm "chung sống hòa bình" với các thế lực phương Tây. Mao trở nên thêm tin rằng Trung Quốc phải tự chọn con đường riêng của mình để tiến lên Chủ nghĩa Cộng sản.

Bích chương tuyên truyền mục tiêu sản xuất thép. Lời văn nói: "Dĩ cương vi cương, toàn diện dược tiến" (Lấy thép làm mấu chốt, vượt lên trong mọi mặt).

Đại nhảy vọt là tên đặt cho Kế hoạch Năm năm lần thứ hai dự trù kéo dài từ 1958-1963. Mao tiết lộ Đại nhảy vọt tại một cuộc họp vào tháng 1 năm 1958 tại Nam Kinh. Ý tưởng trung tâm đằng sau Đại nhảy vọt là sự phát triển nhanh của nền công nghiệp và nông nghiệp Trung Quốc nên được diễn ra song song. Họ hy vọng thực hiện công nghiệp hóa bằng cách lợi dụng nguồn cung ứng lao động giá rẻ khổng lồ và tránh phải nhập cảng các thiết bị, máy móc nặng. Để đạt được điều này, Mao chủ trương một vòng tập thể hóa sâu rộng hơn dựa theo mô hình "Thời kỳ thứ 3" của Liên Xô là cần thiết trong nông thôn Trung Quốc nơi các hợp tác xã hiện hữu sẽ được nhập vào thành các Công xã nhân dân (People's communes) khổng lồ. Một công xã thí điểm được thiết lập tại Chayashan trong tỉnh Hà Nam tháng 4 năm 1958. Tại đây, lần đầu tiên, đất tư hữu bị xóa bỏ hoàn toàn và các nhà bếp công xã được giới thiệu. Tại các cuộc họp của Bộ chính trị vào tháng 8 năm 1958, quyết định được đưa ra là những công xã nhân dân này sẽ trở thành hình thức tổ chức chính trị và kinh tế mới khắp các vùng nông thôn Trung Quốc. Vào cuối năm, khoảng 25.000 công xã được lập lên, mỗi công xã có trung bình 5.000 hộ gia đình. Ở các công xã tự cung tự cấp này, lương và tiền được thay thế bằng công điểm (work points). Ngoài nông nghiệp, chúng kết hợp một vài dự án xây dựng và công nghiệp nhẹ.

Mao cho rằng sản xuất lúa gạo và thép như là cột trụ chính của phát triển kinh tế. Ông tiên đoán rằng trong vòng 15 năm kể từ Đại nhảy vọt, sản lượng thép của Trung Quốc sẽ vượt qua sản lượng thép của Vương quốc Anh. Trong các cuộc họp Bộ chính trị vào tháng 8 năm 1958, quyết định được đưa ra là sản xuất thép được ấn định tăng gấp đôi trong năm, đa số sản lượng gia tăng tới từ các lò nung thép sân vườn. Mao được Bí thư tỉnh An Huy cho xem một thí dụ về một lò nung thép sân vườn ở Hợp Phì vào tháng 9 năm 1958. Lò nung này được cho là đang sản xuất thép chất lượng cao (mặt dù thực tế thì thép tinh luyện này đã được sản xuất ở nơi khác). Mao khuyến khích việc thiết lập các lò nung thép sân vườn loại nhỏ tại mỗi xã và tại mỗi khu phố. Nỗ lực khổng lồ từ nông dân và các công nhân khác được đưa vào để sản xuất thép từ sắt vụn. Để cung cấp nhiên liệu đốt cho các lò nung, cây rừng bị chặt bừa bãi, gây thiệt hại lớn cho môi trường thiên nhiên của địa phương. Tình trạng phá cửa nhà và bàn ghế đồ đạc để lấy củi đốt lò nung cũng xảy ra khắp nơi. Nồi, xoong, chảo, và các thứ vật dụng kim loại khác được trưng dụng để cung cấp "sắt vụn" cho các lò nung để có thể đạt được mục tiêu sản xuất. Nhiều nam lao động nông nghiệp bị thuyên chuyển từ thu hoạch mùa màng sang giúp sản xuất thép cũng giống như các công nhân ở nhiều nhà máy, trường học và thậm chí cả bệnh viện. Đối với những ai có chút kinh nghiệm về sản xuất thép hoặc có hiểu biết cơ bản về luyện kim thì cũng có thể đoán ra được rằng sản phẩm từ các lò nung này là những đống sắt nguyên liệu phẩm chất thấp và chẳng có chút giá trị gì về kinh tế. Tuy nhiên, chính sự ngờ vực sâu đậm của Mao đối với giới trí thức, và niềm tin vào sức mạnh huy động khổng lồ của giới nông dân đã khiến ông ra lệnh thực hiện nỗ lực khổng lồ này trên toàn quốc mà không cần hỏi ý kiến của các chuyên gia. Nỗ lực lớn được thực hiện trong suốt Đại nhảy vọt trên phạm vi rộng như các dự án xây cất cơ bản thường được hoạch định cẩu thả, ví dụ như các công trình thủy lợi, thường được xây mà chẳng hỏi ý từ các kỹ sư được đào tạo. Hơn nữa, kinh nghiệm của các tầng lớp trí thức theo sau Chiến dịch trăm hoa đua nở đã khiến những ai biết được kế hoạch như thế là một chuyện điên rồ cũng chẳng dám lên tiếng chỉ trích. Theo bác sĩ riêng của ông là Lý Chí Tuy, Mao và đoàn tùy tùng đến viếng thăm khu sản xuất thép truyền thống tại Mãn Châu tháng 1 năm 1959 và khi đó ông mới biết được là thép chất lượng cao chỉ có thể sản xuất tại các nhà máy quy mô lớn, sử dụng nhiêu liệu đáng tin cậy như than đá. Tuy nhiên, ông quyết định không ra lệnh ngưng các lò nung thép sân vườn vì không muốn dập tắt nhiệt tâm cách mạng của quần chúng. Chương trình chỉ được bãi bỏ một cách lặng lẽ nhiều tháng sau đó.

Tại các công xã, một số sáng kiến nông nghiệp gây tranh cãi được đề bạt theo mệnh lệnh của Mao. Nhiều sáng kiến trong số này dựa theo ý tưởng của nhà sinh vật học Liên Xô là Trofim Lysenko và những người theo chân ông. Các chính sách bao gồm việc trồng trọt trong đó hạt giống được gieo với mật độ dày hơn bình thường với nhận định sai lầm là các hạt giống cùng loại sẽ không cạnh tranh đất sống với nhau. Cày sâu được khuyến khích vì niềm tin sai lầm điều này sẽ cho cây trồng có thêm hệ thống rễ lớn hơn. Thậm chí tai hại hơn là có ý kiến cho rằng một phần đất trồng nên bỏ hoang.

Tác động ban đầu của Đại nhảy vọt đã được bàn luận tại Hội nghị Lư Sơn vào tháng 7/8 năm 1959. Mặc dù nhiều người trong số các lãnh đạo ôn hòa hơn có giữ các điều kiện hạn chế đối với chính sách mới, người lãnh đạo cao cấp duy nhất công khai nói thẳng là nguyên soái Bành Đức Hoài. Mao dùng hội nghị để gạt bỏ Bành ra khỏi chiếc ghế Bộ trưởng Quốc phòng của ông và lên án cả Bành (người xuất thân từ một gia đình nông dân) và các người ủng hộ ông như những người tư sản và mở chiến dịch toàn quốc chống "chủ nghĩa cơ hội hữu khuynh". Bành bị Lâm Bưu thay thế và Lâm Bưu bắt đầu một cuộc thanh trừng có hệ thống những người ủng hộ Bành ra khỏi quân đội.